ASPECT_logo
ASPECT_logo

Phân biệt IELTS và Cambridge ESOL

Share on facebook
Share on twitter
Share on linkedin

Có nhiều bạn và phụ huynh hỏi Ms Phương rằng : “Ms ơi, nên học Cambridge hay IELTS ?” ” IELTS tốt hơn hay Cambridge tốt hơn? “

Hãy cùng Ms Phương phân biệt công dụng và giá trị của hai chứng chỉ quốc tế phổ biến có cùng nơi sản xuất là Hội đồng khảo thí và đánh giá ngôn ngữ trực thuộc Trường Đại học Cambridge, đó là chứng chỉ IELTS và hệ thống chứng chỉ Cambridge ESOL.

Hệ thống Chứng chỉ của Cambridge ESOL
Hội Đồng Khảo Thí Tiếng Anh Trường Đại Học Cambridge (Cambridge ESOL), một bộ phận của Trường Đại Học Cambridge tại Vương Quốc Anh, và là một nhánh của Cambridge Assessment, một tổ chức uy tín hàng đầu thế giới trong lĩnh vực đánh giá chất lượng giáo dục.
Các chứng chỉ của Cambridge ESOL được xem như là một trong những yêu cầu đầu vào bắt buộc ở hàng ngàn trường đại học và cao đẳng trên thế giới.
Các công ty lớn hang đầu thế giới như Cable & Wireless, GlaxoSmithKline, KPMG, Nestlè, Sony và Siemens cũng công nhận những chứng chỉ của Cambridge ESOL là một văn bằng cần thiết mà các ứng viên phải nộp khi dự tuyển vào công ty.
Cambridge ESOL là tổ chức đứng đầu thế giới về các kỳ thi tiếng Anh dành cho mọi lứa tuổi và mọi trình độ. Hàng năm có hơn 4 triệu thí sinh tại 135 quốc gia tham dự các kỳ thi khác nhau của Cambridge ESOL. Các kỳ thi này bao gồm Kỳ Thi Tiếng Anh dành cho Trẻ Em (YLE), các kỳ thi Tiếng Anh tổng quát dành cho học sinh, sinh viên và người lớn (KET, PET, FCE, CAE, CPE), các kỳ thi Tiếng Anh Thương Mại (BEC, BULATS), Tiếng Anh học thuật (IELTS), Tiếng Anh chuyên ngành Tài Chính (ICFE), Tiếng Anh chuyên ngành Luật (ILEC).

Cambridge ESOL cũng là tổ chức hàng đầu về các Chứng chỉ Giảng Dạy Tiếng Anh dành cho giáo viên (TKT, CELTA, DELTA).

Các kỳ thi này được sản xuất tại Liên hiệp vương quốc Anh nên không lạ gì khi ngôn ngữ dùng chính là British English. Trước hết, mình xin bắt đầu với kỳ thi nổi tiếng và phổ biến nhất tại Việt Nam bây giờ, đó là kỳ thi IELTS nhé.

1. IELTS
Kỳ thi IELTS (International English Language Test) là đứa con chung của ba ông lớn trong lĩnh vực đánh giá ngôn ngữ (Language Assessment) là Hội đồng khảo thí trực thuộc trường đại học Cambridge, British Council và IDP. Kỳ thi này còn có tên gọi khác là kỳ thi tiếng Anh học thuât (Academic English). Hẳn các bạn tự hỏi tiếng Anh học thuật là gì phải không? Tiếng Anh học thuật nghĩa là ngôn ngữ tiếng Anh dùng trong môi trường nghiên cứu và hàn lâm đặc trưng từ cấp độ đại học trở lên. Điều đó có nghĩa là nó đòi hỏi những yếu tố sau: súc tích (concise), đơn nghĩa (unambiguous), trang trọng (formal) và có tổ chức tốt (well-organised). Đó là lý do vì sao Cambridge, BC và IDP khuyến cáo người học IELTS nên từ ít nhất 16 tuổi trở lên và trình độ tiếng Anh ở mức tương trình độ B1 trong Khung tham chiếu Châu Âu (CEFR) hay tương đương 4.0. Việc sở hữu chứng chỉ kỳ thi này gần như là bắt buộc tại các nước nói tiếng Anh ảnh hưởng từ Liên hiệp vương quốc Anh để được phép theo học các chương trình Đại học, Thạc sĩ hay Tiến sĩ. Hiệu lực của chứng chỉ này theo khuyến cáo của bộ ba là 2 năm, một số đơn vị tổ chức khác có thể yêu cầu chứng chỉ trong vòng ít hơn hoặc nhiều hơn số năm tính từ thời gian thi.
Kỳ thi này rất khó vì nó là một kỳ thi chung không phân rõ ra trình độ, tức là anh cứ thi, giỏi đến đâu thì nhận từng ấy điểm. Đề thì cứ là khó chung cho tất cả. Kỳ thi này hoàn toàn NÊN được các bạn có ý định du học hay mong muốn cải thiện ngôn ngữ về lĩnh vực hàn lâm của mình. Nó cũng là một kỳ thi tương đối tốt để phản ánh khả năng tiếng Anh của người học nói chung, vì sao nó lại không phải kỳ thi tốt nhất để thể hiện mình có năng lực toàn diện trong tiếng Anh, mời các bạn đọc ở phần kế tiếp nhé.

2. Nhóm kỳ thi có tên gọi Cambridge Main Suite (KET, PET, FCE, CAE và CPE)
Cambridge Main Suite là tên gọi của bộ năm kỳ thi chính thương hiệu của Hội đồng khảo thí trực thuộc trường đại học Cambridge, hay còn có tên gọi là Cambridge ESOL lần lượt theo thứ tự trình độ tăng dần là KET, PET, FCE, CAE và CPE. Nhóm kỳ thi này có tên gọi là kỳ thi tiếng Anh tổng quát (General English) vì nó kiểm tra các thí sinh khả năng sử dụng tiếng Anh ở mọi lĩnh vực trong đời sống. Vậy nói cách khác, kỳ thi này kiến thức rộng hơn IELTS rất nhiều, trường từ vựng cũng yêu cầu rộng hơn. Tuy nhiên thay vì một kỳ thi dùng cho tất cả cấp độ như IELTS, Cambridge ESOL chia ra 5 kỳ thi tương ứng với trình độ người thi mong muốn nhằm phục vụ mục đích cá nhân của người thi. Các bạn vui lòng xem ảnh để biết quy đổi ra IELTS là bao nhiêu nhé. ^^ Hiệu lực của chứng chỉ kỳ thi này là vĩnh viễn.
Kỳ thi này ở các cấp độ KET hay PET thì tương đối dễ, nhưng từ FCE lên đến CPE thì khá khó. CPE thậm chí khó đạt hơn IELTS 9.0 (confirmed by Cambridge). Bất cứ ai đạt được chứng chỉ CPE đều nhận được sự ngưỡng mộ của trong và ngoại nước, và là minh chứng rõ nhất cho khả năng thuần thục ngoại ngữ của người đó. Mục đích của kỳ thi này là để: làm điều kiện nhập cư định cư ở các nước nói tiếng Anh, làm điều kiện làm việc tại các nước nói tiếng Anh và toàn liên minh Châu Âu, làm khẳng định năng lực giảng dạy của các giáo viên tiếng Anh trên toàn thế giới, điều kiện xét học bổng và nhập học, và làm thước đo chuẩn xác khả năng sử dụng tiếng Anh trong mọi lĩnh vực hoàn cảnh.
Chứng chỉ KET- viết tắt của cụm từ Key English Test-là chứng chỉ đầu tiên trong hệ thống chứng chỉ của Cambridge ESOL dành cho Thiếu niên và người lớn. KET cũng tương đương với cấp độ A2 của Châu Âu. Ở cấp độ này bạn có thể hiểu được những bài đọc đơn giản và giao tiếp thành công trong những tình huống đơn giản và quen thuộc hàng ngày.
Chứng chỉ PET – viết tắt của cụm từ Preliminary English Test- là chứng chỉ thứ 2 trong hệ thống chứng chỉ của Cambridge ESOL. PET dành cho những thí sinh ở trình độ Sơ Trung Cấp, tương đương với cấp độ B1 của Châu Âu. Ở trình độ này bạn có thể giao tiếp hàng ngày bằng văn viết hoặc văn nói như đọc hiểu những cuốn sách hoặc bài báo đơn giản; viết thư từ cá nhân; hay viết những ghi chú trong các buổi họp.
Chứng chỉ FCE – viết tắt của cụm từ First Certificate in English- là chứng chỉ ở cấp độ Trung Cấp, tương đương với cấp độ B2 của Châu Âu. Ở cấp độ này, bạn khá tự tin trong việc sử dụng tiếng Anh để giao tiếp hàng ngày ở nhiều tình huống và chủ đề khác nhau bao gồm cả trong công việc và học tập. Chứng chỉ này có thể được sử dụng để đi làm hoặc đi học ở nước ngoài.
Chứng chỉ CAE – viết tắt của cụm từ Certificate in Advanced English- là chứng chỉ cao thứ 2 trong hệ thống chứng chỉ của Cambridge ESOL, tương đương với cấp độ C1 của Châu Âu. Ở cấp độ này bạn có đủ khă năng và sự tự tin sử dụng tiếng Anh trong hầu hết các lĩnh lực của cuộc sống kể cả các lĩnh vực chuyên môn.
Chứng chỉ CPE- viết tắt của cụm từ Certificate of Proficiency in English- là cấp độ cao nhất trong hệ thống chứng chỉ của Cambridge ESOL, tương đương cấp độ C2 của Châu Âu. Ở trình độ này, bạn có đủ khả năng để đọc hiểu và giao tiếp một cách hiệu quả trong mọi lĩnh vực và tình huống. Và bạn có thể đạt đến khả năng sử dụng ngôn ngữ như một người bản xứ.

3. Nhóm kỳ thi YLE (Young Learner’s English), BEC/BULATS (Business English Certificate), ICFE (International Certificate in Financial English), ILEC (International Legal English Certificate)
Nhóm kỳ thi này là các sản phẩm khác của Hội đồng khảo thí trường đại học Cambridge. YLE là chứng chỉ khảo thí tiếng Anh dành cho lứa tuổi trẻ em. Hiện tại Hồ Chí Minh và Hà Nội đang triển khai rất phổ biến chương trình học và cấp chứng chỉ này. Và đó là lựa chọn cực kỳ sáng suốt cho chương trình tiếng Anh của lứa tuổi nhỏ.
BEC/BULATS là chứng chỉ tiếng Anh dành cho người muốn hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh. ICFE là chứng chỉ tiếng Anh dành cho người hoạt động trong lĩnh vực tài chính. ILEC là chứng chỉ tiếng Anh dành cho người hoạt động trong ngành luật. Nhóm kỳ thi này rất phổ biến trên hơn 130 quốc gia nhưng tại Việt Nam hầu như chưa được biết đến.
Chứng chỉ YLE: là các chữ viết tắt của cụm từ Young Learners English Test. Đây là kỳ thi Anh ngữ dành cho các em Thiếu từ 7- 12 tuổi. Kỳ thi có 3 cấp độ:

  • Starters: Dành cho các cháu lớp 1 và 2
  • Movers: Dành cho các cháu lớp 3 và 4, tương đương cấp độ A1 trong khung đánh giá năng lực ngôn ngữ của cộng đồng Châu Âu.
  • Flyers: Dành cho các cháu lớp 5, tương đương với cấp độ A2 của Châu Âu.

Chứng chỉ BEC – viết tắt của cụm từ Business English Certificate- là chứng chỉ kiểm tra trình độ tiếng Anh thương mại. Đây là chứng chỉ lý tưởng cho những ai đang chuẩn bị bước vào lĩnh vực kinh doanh và thương mại quốc tế. BEC có 3 cấp độ là BEC Preliminary, BEC vantage và BEC Higher.
Chứng chỉ BULATS – viết tắt của cụm từ The Business Language Testing Service- là kỳ thi đánh giá ngôn ngữ đặc biệt dành cho các tổ chức cần một cách đánh giá tin cậy về khả năng sử dụng ngôn ngữ trong công việc của công nhân và nhân viên của họ.

So sánh tổng kết giữa Cambridge ESOL và IELTS:

1. Cambridge ESOL

– Chia ra làm nhiều cấp độ khác nhau, mỗi cấp độ một bài thi có format riêng. Điểm thi một cấp độ chia ra làm 4 mốc: Trượt, Xuống một cấp độ so với cấp độ dự thi, Đạt được cấp độ dự thi và Thăng tiến một cấp độ so với cấp độ dự thi.

– Là tiếng Anh tổng quát, tức là bao gồm đủ mọi chủ đề trong tiếng Anh. Mang tính ứng dụng cuộc sống cao, ví dụ như trong kỹ năng Viết yêu cầu viết Letter of Application, Letter of Reference, Letter of Complaint, Letter of Thanking, Letter of Information Request, Informal Letter, Email, Essay, Proposal, Story, Article, Review, Report, Edition Letter. Tùy theo cấp độ chứng chỉ sẽ có yêu cầu bài viết khác nhau. Thí sinh được chọn bài viết để thực hiện. Ngoài ra còn có kỹ năng Use of English kiểm tra ngữ pháp và từ vựng. Bài thi nói cần hai thí sinh cùng thi ( chọn ngẫu nhiên ) có bao gồm hình thức trả lời độc lập, tương tác với thí sinh khác và nói dựa vào tranh.

– Dùng cho du học, xin việc, nhập cư, chứng chỉ tiếng Anh giảng dạy bắt buộc đối với giáo viên công lập tại Việt Nam, và là chứng chỉ tiếng Anh phù hợp cho ai muốn phản ánh chính xác thực lực tiếng Anh của mình ở mọi lĩnh vực thực tế.

– Gồm 4 kỹ năng Nghe, Nói, Đọc và Viết. Kỹ năng thứ năm Use of English chỉ có từ cấp độ FCE (B2) trở lên.
– Lệ phí thi thấp hơn IELTS.
– Hiệu lực vĩnh viễn.

2. IELTS (Academic Module)

– Một kỳ thi chung để đánh giá năng lực thí sinh. Đề thi ở mức độ khó trung cao cấp trở lên ( Intermediate) hay tương đương với B2 quốc tế nên người nào yếu khi học hoặc thi sẽ gặp nhiều khó khăn. Điểm thi chia từ 0 đến 9.0.
– Là tiếng Anh học thuật. Bài viết chỉ tập trung vào luận và mô tả biểu đồ, bản đồ, quy trình. Chỉ dùng để đi học đại học ở nước ngoài. Ai đi du học thì phải có cái này. Cambridge cũng được chấp nhận.

– Gồm 4 kỹ năng Nghe, Nói, Đọc và Viết.
– Lệ phí thi cao
– Có hiệu lực trong 2 năm

Danh mục bài viết

Bạn cần tư vấn ?

Follow Us

Tư vấn lộ trình học và ưu đãi

Liên hệ ngay để nhận tư vấn về chương trình này.